Tổ hợp phong điện Côn Đảo: Bước đầu cho năng lượng sạch tương lai

Thứ năm, 09/07/2009, 08:13 GMT+7
1903 xem
Chia sẻ:

UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vừa trao Giấy phép chứng nhận đầu tư cho Công ty cổ phần Đầu tư Địa ốc Dịch vụ Thương mại Sĩ Cát đầu tư tổ hợp phong điện Côn Đảo. Đây là dự án phong điện đầu tiên của một doanh nghiệp trong nước đầu tư tại Côn Đảo. Phóng viên báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Quốc Thắng - Giám đốc điều hành Công ty Sĩ Cát về dự án này.

Đầu tư phong điện là một loại hình đầu tư cần nhiều vốn, thời gian thu hồi chậm. Vậy vì sao Sĩ Cát lại tham gia vào lĩnh vực này và lại là đầu tư tại Côn Đảo, một hòn đảo xa đất liền gần 200km? 

Trước hết tôi xin cung cấp một số liệu, công suất phong điện của toàn thế giới hiện nay là gần 50.000MW - xấp xỉ công suất của 50 nhà máy điện hạt nhân và ngày càng tăng cao với tỉ lệ trung bình 17%/năm. Điều đó chứng tỏ những ưu thế vượt trội của phong điện. Các nước hiện đại trên thế giới đều lấy những nguồn năng lượng đó làm chiến lược phát triển bền vững. Ví dụ như nước Đức hiện đang dẫn đầu thế giới về công nghiệp phong điện với tổng công suất 22,3 GW trong năm 2007, hơn 19.460 tuabin được đặt tại khắp đất nước, tạo công ăn việc làm cho hơn 70.000 người, tới 2020 Đức sẽ đóng cửa toàn bộ nhà máy điện hạt nhân.

Hiện tại, với Côn Đảo quy mô dân số chỉ khoảng 5-6.000 người nhưng tiềm năng phát triển du lịch, thủy sản cũng như ngay trong chính Đề án phát triển kinh tế xã hội huyện Côn Đảo được Thủ tướng chính phủ phê duyệt thì tới năm 2020 dân số Côn Đảo sẽ là 50.000 người và đón lượng du khách 500.000-700.000 lượt người/năm. Ngoài ra, với thế mạnh thủy sản của mình nhu cầu về các xưởng chế biến nước đá, chế biến thủy sản, hậu cần nghề cá là không thể thiếu cho phát triển.

Từ những lý do trên chúng tôi đã quyết định đi trước một bước đầu tư vào cơ sở hạ tầng tại Côn Đảo mà cụ thể là đầu tư một tổ hợp phong điện đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội tại đây trong tương lai không xa. 

- Như ông vừa nói Côn Đảo sẽ trở thành một điểm thu hút du lịch lớn mà chúng tôi được biết các turbin điện có khả năng gây tiếng ồn, liệu có ảnh hưởng gì tới phát triển du lịch của Côn Đảo?

Chúng tôi cũng đã lường trước khả năng đó trong các nghiên cứu khả thi của dự án và đo đạc thực tế tại hiện trường và hiện nay công nghệ phong điện của thế giới đã khác xa với thời kỳ đầu. Cụ thể với tổ hợp phong điện Côn Đảo chúng tôi áp dụng hệ thống turbin của hãng Vergnet hàng đầu của Pháp, đạt chuẩn giới hạn về tiếng ồn. Khi hoạt động các turbin chỉ gây ra tiếng ồn dưới 100dB, nói một cách dễ tưởng tượng hơn là nếu bạn đứng cách một turbin 100m sẽ không cảm nhận rõ được tiếng ồn phát ra từ turbine hay từ gió biển. Hơn thế địa điểm chúng tôi lựa chọn là vùng đồi gò, vùng đất trống không thể phát triển du lịch vì vậy khả năng ảnh hưởng là không có. Thậm chí ngược lại, cánh đồng turbin gió còn có thể trở thành một điểm thu hút tham quan, du lịch hấp dẫn vì khi hoàn thành nhìn từ xa nó giống như một vườn hoa hướng dương đón ánh mặt trời. 

- Trên góc độ môi trường và các yếu tố phát triển bền vững đúng là phong điện có những lợi thế rõ rệt nhưng xét trên góc độ kinh doanh, ông có thể cho biết khả năng hoàn vốn và thành công của dự án? 

Dự án của chúng tôi được đầu tư theo phương thức BO (Xây dựng-Khai thác) chủ đầu tư tự thực hiện quản lý dự án và vận hành theo hình thức như một nhà máy điện độc lập (IPP). Nhà máy sẽ nằm trong hệ thống điện của đảo và chúng tôi sẽ bán điện cho UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mà trực tiếp là UBND huyện Côn Đảo. Với giá bán điện dự kiến cho 10 năm đầu là 2810 đồng/1kWh và giảm dần 5% mỗi 5 năm cho tới khi kết thúc dự án chỉ còn 2.240 đồng/1kWh thì dự kiến thời gian hoàn vốn của chúng tôi là 10 năm. 

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Khánh thực hiện

 

Chia sẻ:
Ý kiến bạn đọc