Côn Đảo: Bài toán đầu tư vì sinh thái

Thứ ba, 21/09/2010, 08:34 GMT+7
1878 xem
Chia sẻ:

"Côn Đảo như một cô gái đẹp có nhiều người đàn ông theo đuổi", ông Bùi Văn Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Côn Đảo, đã nhận xét như thế về tiềm năng thu hút đầu tư du lịch của Côn Đảo. Tuy nhiên, theo ông, huyện đảo này sẽ không đi theo hướng phát triển ồ ạt để đô thị hóa mà gắn kết việc kinh doanh với bảo vệ hệ sinh thái. Hiện nay, Huyện đang chờ Chính phủ phê duyệt đề án phát triển mới, trong đó, các dự án phải đảm bảo được các yếu tố về môi trường. Từ nay cho đến lúc đề án được chấp thuận, không có một dự án nào, dù đã có giấy phép, được triển khai trên địa bàn Huyện, ông Bình cho biết thêm.

Thu hút có chọn lọc

 

Côn Đảo vẫn còn là một mảnh đất hoang sơ nằm cách Vũng Tàu 180 km về phía Nam, gồm 16 hòn đảo với những bãi biển và hệ thống san hô ngầm vào loại đẹp nhất Việt Nam. Chưa kể, đây còn là nơi ở của các giống sinh vật quý hiếm như rùa biển hay lợn biển.

 

Do có đặc thù biển động suốt 6 tháng trong năm nên hằng năm, Côn Đảo chỉ đón từ 35.000-40.000 lượt khách, con số khá khiêm tốn so với các địa điểm du lịch biển khác như Phú Quốc, Nha Trang.

 

Hiện nay, khoảng 14.000 ha biển và 6.000 ha rừng tại Côn Đảo nằm trong sự bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Côn Đảo. Khu dân cư được đặt nằm hoàn toàn ở bên ngoài.

 

Ông Lê Xuân Ái, Giám đốc Vườn Quốc gia Côn Đảo, cho biết, tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái tại Côn Đảo là rất lớn. Người dân ở đây có thể hưởng lợi bằng những nguồn thu nhập từ du lịch. Tuy nhiên, việc đó có thể kéo theo ảnh hưởng lớn tới sinh vật biển. Ông nói: “Vấn đề là làm thế nào để chọn được các nhà đầu tư thực sự có năng lực và có ý tưởng về đa dạng sinh học”.

 

“Đảo này có giá trị rất lớn về lịch sử, là bàn thờ thiêng liêng của Tổ quốc. Chúng tôi sẽ gìn giữ những giá trị của Côn Đảo cho đến khi thực sự có cơ hội biến thành một thiên đường của Việt Nam”, ông nhấn mạnh.

 

Gần đây, Vườn Quốc gia Côn Đảo đã ra văn bản chấn chỉnh hoạt động du lịch tại các đảo nhỏ vì theo ông Ái, việc đưa khách du lịch ồ ạt ra các đảo sẽ gây ảnh hưởng không tốt tới môi trường của đảo.

 

Bên cạnh đó, theo ông, hệ sinh thái biển tại đây đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ sau cơn bão Linda năm 1997, thêm vào đó là hiện tượng ấm dần của nước biển.

 

Hơn nữa, các hoạt động đánh bắt cá của ngư dân trong vùng và các vùng biển lân cận cũng gây ảnh hưởng rất lớn. Hiện nay, khoảng 3% (6.700 người) trong tổng dân số của Côn Đảo, đang dựa vào nguồn thu nhập chính từ đánh bắt cá.

 

Chuyển nghề khéo léo

 

Nhận thức rõ vấn đề trên, năm 2006, Tổ chức Phát triển Liên hợp Quốc (UNDP), đã phối hợp với Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) triển khai một dự án với tổng kinh phí 1,8 triệu USD. Mục đích của dự án là góp phần đặt nền móng cho việc bảo vệ quần thể sinh thái tại Côn Đảo, nâng cao nhận thức của người dân và lãnh đạo trong vùng về vấn đề bảo tồn nguồn tài nguyên, thông qua việc tạo điều kiện cho họ trực tiếp tham gia một số hoạt động.

 

Tháng 4.2009, với sự hỗ trợ của dự án, 20 ngư dân Côn Đảo đã được chọn để tham gia trồng 40 ha tảo biển. Đến nay, nỗ lực này đã mang lại hiệu quả với dấu hiệu nguồn tảo biển đang dần được phục hồi.

 

Dự án còn thiết lập một hệ thống kiểm soát các vùng đánh bắt cá trên biển, trong đó chia ra các vùng hoàn toàn cấm đánh cá và các vùng thuộc diện bảo tồn sinh thái biển.

 

Bùi Văn Văn là một ngư dân quê ở Long An, ra lập nghiệp tại Côn Đảo từ năm 1983. Anh cho biết, vào thời điểm mới đến lập nghiệp, do Côn Đảo còn quá hoang sơ nên không có hoạt động nào ảnh hưởng tới môi trường. Nguồn lợi từ biển còn rất dồi dào, một gia đình đánh bắt cá có thể kiếm được 1 chỉ vàng 1 ngày. Nhưng hiện nay, cuộc sống gặp nhiều khó khăn do nguồn tài nguyên đang cạn kiệt. Anh Văn bảo cũng đã có phen suýt tử nạn do đi xa bờ và lặn xuống độ sâu không an toàn để tìm bắt cá.

 

Và dù đã nhận được kinh phí hỗ trợ để chuyển đổi sang nghề đưa khách du lịch tới các đảo nhỏ nhưng anh Văn cho biết, công việc vẫn không mang lại nguồn thu ổn định do lượng khách ít và tàu của anh chưa đủ lớn.

 

Hiện nay, UNDP và lãnh đạo huyện Côn Đảo đang có kế hoạch dùng số tiền khoảng 1 tỉ đồng trong quỹ bảo tồn để cho khoảng 5 hộ vay, nâng cấp tàu đánh bắt cá thành tàu đủ tiêu chuẩn để chở khách.

 

Lê Hương

Chia sẻ:
Ý kiến bạn đọc